Tỷ suất hoạt động
Tỷ suất hoạt động chỉ ra mức độ hiệu quả của một tổ chức trong việc sử dụng tài sản. Việc sử dụng tài sản hiệu quả sẽ làm giảm nhu cầu đầu tư từ các bên cho vay và chủ sở hữu.
Giảm đầu tư cũng đồng nghĩa với việc giảm cả rủi ro lẫn chi phí. Hai tỷ lệ hoạt động mà nhiều nhà quản lý phải thường xuyên đối mặt là kỳ thu tiền chưa thanh toán và tỷ lệ thay thế tồn kho.
Kỳ thu tiền chưa thanh toán (hoặc hạn thu) cho chúng ta biết thời gian trung bình cần thiết để thu trên doanh thu do công ty tạo ra. Như đã thảo luận, kỳ thu kéo dài nghĩa là công ty cần nhiều vốn lưu động hơn để thực hiện kinh doanh - vốn lưu động phải trả lãi sẽ làm tiêu hao lợi nhuận! Chúng ta tìm kỳ thu tiền chưa thanh toán qua hai bước. Đầu tiên là xác định doanh thu trung bình trong ngày bằng phép tính sau:
Doanh thu trung bình ngày = Doanh thu thuần / 365
Chúng ta sử dụng kết quả này để đạt được mục tiêu cuối cùng:
Kỳ thu tiền chưa thanh toán = Khoản phải thu / Doanh thu trung bình ngày
Với hầu hết các hình thức phân tích tỷ suất, kỳ thu tiền chưa thanh toán sẽ phát huy hiệu quả nhiều nhất khi chúng ta sử dụng nó để (1) so sánh công ty này với công ty khác hoặc với nhóm đối thủ cạnh tranh cùng ngành hay (2) kiểm tra xu hướng. Ví dụ, Gateway và đối thủ Dell đều là những nhà sản xuất máy tính cá nhân theo đơn đặt hàng. Cả hai cùng bán sản phẩm trực tiếp cho khách hàng. Mô hình hoạt động của hai công ty là như nhau. Do đó, việc so sánh kỳ thu tiền chưa thanh toán sẽ cho ta biết được công ty nào thu tiền nợ hiệu quả hơn. Tương tự, chúng ta có thể kiểm tra xu hướng của kỳ thu tiền ở một trong hai hoặc cả hai công ty để xác định xem liệu thời hạn thu ngắn hơn hay dài hơn.
Tỷ lệ thay thế tồn kho lại là một tỷ lệ khác mà nhiều nhà quản lý cần quan tâm đến. Việc xác định số lần bán và thay thế hàng tồn kho trong một năm cho phép đánh giá khả năng thanh toán bằng tiền và khả năng doanh nghiệp đó chuyển hàng tồn kho thành tiền một cách nhanh chóng nếu điều đó là cần thiết. Tốc độ thay thế tồn kho chậm thường dẫn đến tình trạng có quá nhiều vốn bị chôn trong hàng tồn kho. Điều này gây tốn nhiều chi phí, và đối với hàng kỹ thuật và đồ phụ kiện, có thể trở thành hàng tồn kho lỗi thời. Lợi nhuận chỉ được cải thiện khi bạn có thể bán hết toàn bộ hàng trong kho càng sớm càng tốt.
Bạn có thể tính tốc độ thay thế tồn kho bằng cách lấy giá vốn hàng bán chia cho chi phí tồn kho. Nếu chi phí tồn kho thay đổi đáng kể từ đầu kỳ đến cuối kỳ, bạn nên tính hoặc ước tính lượng tồn kho trung bình cho cả kỳ. Đơn giản, bạn có thể cộng lượng tồn kho đầu kỳ và tồn kho cuối kỳ và lấy 1/2 tổng đó làm lượng tồn kho trung bình cho cả kỳ. Công thức như sau:
Tỷ lệ thay thế tồn kho = Giá vốn hàng bán / Tồn kho trung bình
Mức độ thay thế tồn kho nào thể hiện việc quản lý hiệu quả? Không có câu trả lời toàn diện cho câu hỏi này, vì tỷ lệ thay thế tồn kho mang tính đặc trưng theo ngành. Ví dụ, với việc bán lẻ tạp phẩm, tỷ lệ thay thế tồn kho cực kỳ cao. Ngược lại, một đại lý bán xe ô tô chỉ có thể thanh lý hàng tồn kho vài tuần một lần. Một người bán lẻ nhạc cụ có thể thanh lý hàng tồn kho ba hoặc bốn lần mỗi năm. Vì thế, điều quan trọng là phải kiểm tra xu hướng thay thế tồn kho cũng như mức thay thế tồn kho của một doanh nghiệp so với các đối thủ cạnh tranh cùng ngành.
Tỷ suất khả năng thanh toán nợ
Khi một doanh nghiệp không có khả năng đáp ứng các nghĩa vụ tài chính (ví dụ: không thể thanh toán các hóa đơn), doanh nghiệp đó được xem là không có khả năng thanh toán nợ. Vì tình trạng không có khả năng thanh toán nợ sẽ dẫn đến việc tài sản doanh nghiệp bị tịch biên, có thể dẫn đến phá sản, hoặc thậm chí phải đóng cửa doanh nghiệp, nên các nhà đầu tư và các chủ nợ nghiên cứu rất kỹ tỷ suất về khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp mà họ chuẩn bị đầu tư hoặc cho vay. Bằng cách đo khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp khi nợ đến hạn, tỷ suất về khả năng thanh toán nợ chỉ rõ khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Thuật ngữ khả năng thanh toán nợ trong tài chính có nghĩa là mức độ mà tài sản của công ty sẵn sàng được chuyển đổi thành tiền để thanh toán nợ. Có hai phương pháp đánh giá phổ biến là hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn và hệ số khả năng thanh toán nợ nhanh.
Công thức của hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn khá đơn giản:
Hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn = Tài sản lưu động / Nợ ngắn hạn
Hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn mà một công ty hoạt động hiệu quả cần duy trì phụ thuộc vào mối quan hệ giữa dòng tiền thu vào và nhu cầu thanh toán bằng tiền. Một công ty có dòng tiền thu vào ổn định và liên tục hoặc các nguồn vốn khả dụng khác, như ngành dịch vụ công ích hoặc công ty xe taxi, có khả năng đáp ứng các khoản nợ hiện tại đến hạn một cách dễ dàng dù cho hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn không cao, chẳng hạn 1,1 (có nghĩa là cứ 1,0 USD từ các khoản nợ ngắn hạn thì công ty thu được 1,1 USD trong tài sản lưu động). Mặt khác, một công ty có chu kỳ phát triển và sản xuất sản phẩm dài cần phải duy trì hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn lớn hơn.
Để xác định khả năng thanh toán tuyệt đối bằng tiền của một doanh nghiệp, chuyên viên phân tích có thể điều chỉnh hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn bằng cách lấy tài sản lưu động trừ đi tất cả các mục không thể thanh toán bằng tiền. Hệ số này, còn gọi là hệ số khả năng thanh toán nợ nhanh, được tính bằng cách lấy vốn khả dụng (tiền mặt, chứng khoán bán được, và các khoản phải thu) chia cho các khoản nợ ngắn hạn, không bao gồm lượng tồn kho.
Hệ số khả năng thanh toán nợ nhanh = Vốn khả dụng / Nợ ngắn hạn
Nhưng có một nghịch lý là một công ty có thể có nhiều tài sản - bất động sản, trang thiết bị, máy móc, xe cộ, nhà kho với lượng hàng tồn kho nhiều - nhưng vẫn gặp rủi ro không có khả năng thanh toán nợ nếu hệ số của tài sản lưu động (vốn khả dụng) không đủ đáp ứng nhu cầu thanh toán các hóa đơn đến hạn. Các công ty cho vay không muốn nhận thanh toán bằng xe cộ, máy móc, họ muốn được trả bằng tiền.
Như đã thảo luận, mức độ các khoản nợ và nợ dài hạn hỗ trợ doanh nghiệp đối lập với phần vốn góp của chủ sở hữu được gọi là đòn bẩy tài chính. Một công ty có tỷ lệ vay nợ cao so với vốn góp của cổ đông được xem là có đòn bẩy tài chính cao. Đối với chủ sở hữu, lợi thế của việc nợ nhiều là tỷ lệ lợi nhuận trên vốn đầu tư thực tế có thể cao hơn một cách bất tương xứng khi công ty tạo ra lợi nhuận. Mặt khác, tỷ lệ vay nợ cao sẽ có hại khi dòng tiền giảm, vì lãi suất trên nợ là nợ phải trả trên hợp đồng - có nghĩa là dù tình hình kinh doanh tốt hay xấu thì đều phải thanh toán. Một công ty có thể bị phá sản do bị thúc ép thanh toán lãi đến hạn trên khoản nợ còn tồn đọng.
Tỷ lệ nợ được sử dụng rộng rãi trong phân tích tài chính vì nó cho biết tác động của đòn bẩy tài chính. Có nhiều cách tính, nhưng ở đây chỉ nêu ra hai cách. Cách đơn giản nhất là:
Tỷ lệ nợ = Tổng nợ / Tổng tài sản
Bạn cũng có thể tính tỷ lệ nợ so với vốn cổ phần bằng cách chia tổng số nợ phải trả cho vốn góp của các cổ đông:
Tỷ lệ nợ trên vốn cổ phần = Tổng nợ phải trả / Vốn cổ phần
Các chuyên viên phân tích phải cẩn thận khi giải thích các chỉ số này vì không có phép đo nào chính xác tuyệt đối. Vậy nên khi bạn nghe ai nói “Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của công ty là 1/2 (hoặc 50%)”, bạn nên hỏi người đó xem nợ ở đây bao gồm những gì. Nợ được cấp vốn toàn bộ, tức là tất cả các khoản nợ có tính lãi suất, có thể là thước đo nợ tốt nhất.
Thông thường, khi tỷ lệ này tăng, lợi nhuận cho chủ sở hữu cũng tăng, nhưng đồng thời cũng có rủi ro. Các chủ nợ hiểu rất rõ mối quan hệ này nên thường đưa ra những hạn chế cụ thể trong mức cho vay; nếu vượt ra các mức hạn chế đó họ sẽ không cho vay.
Các chủ nợ cũng sử dụng tỷ lệ bù đắp lãi suất để ước tính mức độ an toàn khi cho các doanh nghiệp tư nhân vay tiền. Hầu hết mỗi công ty đều cam kết sẽ thanh toán tiền mặt nếu có khả năng thanh toán nợ. Thanh toán lãi suất là một trong những cam kết này. Hệ số đo khả năng thanh toán lãi suất của một doanh nghiệp được gọi là tỷ lệ bù đắp lãi suất. Công thức tính như sau:
Tỷ lệ bù đắp lãi suất = Lợi nhuận trước thuế và lãi vay / Chi phí lãi suất
Số lần thanh toán lãi suất được chi trả bởi thu nhập trước thuế (EBIT) thể hiện mức độ mà thu nhập không gây ra tình trạng không thanh toán được nợ. Trong nhiều trường hợp, đây không phải là việc kiểm tra khả năng thanh toán nợ. Ví dụ, nếu phải cắt giảm một nửa EBIT vì suy thoái hoặc một nguyên nhân khác, liệu doanh nghiệp có còn đủ thu nhập để thanh toán nợ lãi hay không?
Dự báo theo phân tích tỉ suất
Mặc dù chuyên viên phân tích hoặc người ra quyết định hiểu rõ việc phân tích tỷ suất, nhưng việc sử dụng tùy tiện các tỷ suất tài chính có thể gây nguy hiểm. Chỉ đưa ra quyết định dựa trên một mức tỷ suất tối thiểu hay cụ thể có thể dễ dàng đánh mất cơ hội hoặc thất bại. Ngay cả tỷ suất tốt nhất cũng không hẳn luôn chỉ ra được tình trạng tài chính hoặc công việc kinh doanh của doanh nghiệp đó có tốt hay không. Các tỷ suất giữa những lần đánh giá tương tự nhau trong các báo cáo tài chính có thể bị ảnh hưởng bởi sự khác biệt trong thực tiễn kế toán hoặc bởi những mánh khóe có chủ ý.
Sự lỏng lẻo với các tỷ suất có thể bị thao túng và mối nguy hiểm trong việc sử dụng chúng làm tiêu chuẩn có thể khiến nhiều nhà phân tích tập trung vào xu hướng tỷ suất. Khi bạn quan sát một xu hướng tỷ suất, bạn có thể đặt câu hỏi tại sao lại xảy ra xu hướng như vậy. Ví dụ, nếu hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn hàng quý tăng dần, bạn sẽ muốn biết nguyên nhân tại sao - và ý nghĩa của kết quả này. Câu trả lời cho những câu hỏi này thường không nằm trong các bảng báo cáo tài chính. Tương tự vậy, nếu chỉ đơn giản là đối chiếu tỷ suất giữa các công ty, bạn có thể cho ra những kết luận sai lầm. Tính đa dạng cố hữu trong thực tiễn kế toán hiện hành có thể hiểu rằng những tỷ suất của các doanh nghiệp khác nhau là không thể đem ra so sánh được. Bạn có thể so sánh giữa các công ty, nhưng phải cẩn thận và cảnh giác những khác biệt ẩn đằng sau các phương pháp kế toán.
Nguồn: Tài chính dành cho người quản lý - First News và NXB Tổng hợp TPHCM
Các phép đo tài chính như thu nhập trên mỗi cổ phiếu và tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu, cho chúng ta biết nhiều điều về tình hình hoạt động kinh doanh cũng như các thế hệ nhà doanh nghiệp đã nỗ lực quản lý bằng cách dùng những phép đo này.
Nhưng những phép đo truyền thống này không phải là những điểm nhấn để làm động lực thúc đẩy sự việc phát triển, mà chúng là kết quả của hàng loạt các hoạt động khác.
Chúng là những cột mốc để từ đó nhìn lại, là sản phẩm của các hoạt động trong quá khứ. Tệ hơn nữa, phép đo này có thể đưa ra những tín hiệu sai lầm. Ví dụ, các số đo lợi nhuận có vẻ tốt trong năm nay có thể là kết quả của việc cắt giảm nhiều hoạt động phát triển sản phẩm mới và huấn luyện nhân viên. Nhìn bề ngoài, việc kinh doanh rất khả quan, nhưng những khoản cắt giảm này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi nhuận của doanh nghiệp đó trong tương lai.
Do bị cản trở bởi sự thiếu thỏa đáng của các hệ thống đo lường hiệu suất hoạt động truyền thống, một số nhà quản lý chuyển sự tập trung từ thu nhập trên mỗi cổ phiếu và tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu sang các hoạt động kinh doanh tạo ra các khoản này. Những nhà quản lý này theo phương châm “Hãy cải thiện hoạt động, thành quả sẽ theo sau”. Tuy nhiên, sự cải thiện nào đóng vai trò quan trọng nhất? Đâu là động lực thật sự dẫn đến hiệu suất hoạt động lâu dài và mấu chốt? Để trả lời cho câu hỏi này, Robert Kaplan và David Norton đã tiến hành nghiên cứu một số doanh nghiệp được xếp hàng đầu. Từ kết quả nghiên cứu, họ đã phát triển một bảng ghi cân đối - một hệ thống đo lường đánh giá hiệu suất hoạt động mới giúp các nhà quản lý cấp cao có một cái nhìn nhanh chóng nhưng toàn diện về kinh doanh. Bảng ghi cân đối của họ gồm các số đo tài chính thể hiện kết quả những hành động đã thực hiện trong quá khứ. Và ngoài ra, nó còn bổ sung vào các chỉ số này ba phương pháp đánh giá hoạt động liên quan trực tiếp đến việc thỏa mãn khách hàng, các quy trình nội bộ, năng lực học hỏi và phát triển của doanh nghiệp - những hoạt động tác động đến hiệu suất hoạt động tài chính trong tương lai.
Kaplan và Norton đã so sánh bảng ghi cân đối với các số liệu ghi trong buồng lái máy bay như sau: “Đối với một nhiệm vụ phức tạp như định vị đường đi và lái máy bay, các phi công cần thông tin chi tiết về nhiều vấn đề liên quan đến chuyến bay. Họ cần thông tin về nhiên liệu, tốc độ bay, độ cao, vị trí phương hướng, đích đến, và các chỉ số khác tóm tắt về môi trường hiện tại và dự đoán. Chỉ dựa vào một yếu tố đơn nhất là cực kỳ nguy hiểm. Tương tự như vậy, tính phức tạp của công tác quản lý doanh nghiệp ngày nay đòi hỏi các nhà quản lý phải có khả năng nhìn thấy hoạt động của doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực cùng một lúc”.
Bảng ghi cân đối của Kaplan và Norton sử dụng bốn quan điểm để đánh giá hiệu suất hoạt động và khuyến khích công tác quản lý. Nhìn chung, những quan điểm này giúp cấp quản lý trả lời kịp thời bốn câu hỏi chính sau:
+ Khách hàng nhìn nhận chúng ta như thế nào? (quan điểm khách hàng)
+ Chúng ta phải làm gì để trở nên tốt hơn? (quan điểm nội bộ công ty)
+ Chúng ta có thể tiếp tục cải thiện và tạo ra giá trị không? (quan điểm học hỏi và đổi mới)
+ Chúng ta quan tâm đến cổ đông như thế nào? (quan điểm tài chính)
Hình 2-1 thể hiện mối liên hệ giữa bốn quan điểm này. Lợi thế của bảng ghi cân đối so với các phương pháp đánh giá truyền thống là ba trong số bốn quan điểm nêu trên (khách hàng, đổi mới, nội bộ) là đòn bẩy mà các nhà quản lý có thể sử dụng để cải thiện kết quả trong tương lai. Tuy nhiên, bất lợi của phương pháp này là không thể công bố rộng rãi, và như thế việc so sánh đối chiếu các doanh nghiệp đối thủ cạnh tranh không thể thực hiện được. Ngoài ra, phương pháp này không giúp các phân tích của chúng ta dự báo xu hướng hàng năm trong một số lĩnh vực cụ thể của hoạt động doanh nghiệp, như tỷ lệ thay thế hàng tồn kho và khả năng thanh toán nợ. Tuy nhiên, nếu kết hợp cả hai, bảng ghi cân đối và phương pháp phân tích tỷ lệ truyền thống có thể giúp các nhà quản lý hiểu và cải thiện hoạt động của họ.
Tóm tắt
Các báo cáo tài chính giúp bạn biết được điểm mạnh và điểm yếu của một doanh nghiệp, cũng như các khía cạnh khác nhau về hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp đó. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, người đọc báo cáo tài chính phải nghiên cứu, so sánh và phân tích để có thể hiểu được. Chương này giúp bạn biết cách sử dụng các tỷ suất và các báo cáo dạng tỷ lệ phần trăm để hiểu rõ về khả năng sinh lợi, các hoạt động kinh doanh chính, khả năng thanh toán nợ, và cơ cấu nợ của một doanh nghiệp. Đặc biệt, cần quan tâm đến ba chỉ số sau:
+ Các tỷ suất sinh lợi. Liên quan đến mức thu nhập kiếm được từ các nguồn tài chính được sử dụng. Các tỷ lệ này bao gồm tỷ lệ lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA), tỷ lệ lợi nhuận trên vốn cổ phần (ROE), và thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS).
+ Các tỷ suất hoạt động. Thể hiện tính hiệu quả của việc sử dụng tài sản. Kỳ thu tiền chưa thanh toán và tỷ lệ thay thế tồn kho đều được xem là tỷ suất hoạt động.
+ Hệ số khả năng thanh toán nợ. Thể hiện khả năng doanh nghiệp đáp ứng các nghĩa vụ tài chính. Tỷ suất này bao gồm: hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn, hệ số khả năng thanh toán nợ nhanh, tỷ lệ nợ, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu và tỷ lệ bù đắp lãi suất.
Điều đáng tiếc là các báo cáo tài chính thể hiện quá khứ và bị hạn chế nghiêm ngặt đối với các phép đo tài chính. Là một nhà quản lý, bạn cần các thông số chỉ dẫn và các chuẩn mực tính toán phi tài chính để hiểu và dẫn dắt doanh nghiệp. Chương này đã giới thiệu về bảng ghi cân đối mà nhiều công ty áp dụng để hỗ trợ cho các phép đo tài chính của mình.
Nguồn: Tài chính dành cho người quản lý - First News và NXB Tổng hợp TPHCM
|
|
|
TÌM BÀI VIẾT KHÁC SEARCH TRÊN THANH TIM KIẾM PHÍA TRÊN WEB
ĐÃ CẬP NHẬT HẾT SÁCH GIẢI CÁC MÔN CÁC LỚP VUI LÒNG ĐÁNH TÊN BÀI KÈM LỚP PHÍA TRÊN TÌM KIẾM
|
|