Xem bài viết đơn
  #7  
23-10-2012, 12:20 AM
sweet_love's Avatar
sweet_love sweet_love is offline
Super Moderator

Default Ý nghĩa của các báo cáo tài chính




Phân tích tỷ suất
Thông thường, báo cáo tài chính được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Người cho vay muốn biết liệu doanh nghiệp đang tìm ngân quỹ có khả năng hoàn vốn lại không. Các nhà đầu tư quan tâm đến khả năng ổn định tài chính và phát sinh lợi nhuận cũng như thu nhập của doanh nghiệp có thể tăng hoặc giảm như thế nào trong tương lai. Những nhân viên có năng lực sử dụng báo cáo tài chính để đánh giá tình hình tài chính hoặc hoạt động kinh doanh hiện tại của một công ty trước khi họ ký kết hợp đồng lao động với công ty đó. Các cơ quan ban hành định chế cần các báo cáo tài chính để đánh giá hoạt động và tình hình tài chính của doanh nghiệp hoặc ngành công nghiệp đó.
Mỗi mục đích sử dụng đại diện cho một hình thức phân tích tài chính. Phân tích tài chính thường bao gồm việc nghiên cứu các mối quan hệ, hay tỷ suất giữa các mục nêu trong các báo cáo tài chính. Những tỷ suất này giúp mô tả tình trạng tài chính của một doanh nghiệp, năng suất hoạt động, khả năng sinh lợi tương ứng, cũng như nhận thức của các nhà đầu tư được thể hiện thông qua hành vi của họ trên thị trường tài chính. Các tỷ suất này cũng giúp chuyên viên phân tích hoặc những người ra quyết định có khái niệm chung về nguồn gốc của một doanh nghiệp, hiện trạng và tiềm năng trong tương lai của doanh nghiệp đó. Trong hầu hết trường hợp, các tỷ suất này thường không nói lên đầy đủ bản chất của một doanh nghiệp, nhưng chúng có thể là sự khởi đầu. Những tỷ suất được nêu sau đây đều bao trùm toàn bộ các ngành công nghiệp, tuy nhiên, nó sẽ có ý nghĩa nhất nếu đem ra so sánh dựa trên những phép đánh giá giống nhau cho các doanh nghiệp khác cùng ngành.
Tỷ suất sinh lợi
Tỷ suất sinh lợi liên quan đến lượng thu nhập đạt được với các nguồn lực sử dụng để tạo ra chúng. Lý tưởng thì một doanh nghiệp nên thu được càng nhiều lợi nhuận càng tốt dựa trên một lượng tài chính có sẵn. Những tỷ suất lợi nhuận cần quan tâm là: tỷ lệ lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA - return on assets), tỷ lệ lợi nhuận trên vốn cổ phần (ROE - return on equity), và thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS - earnings per share). Ngoài ra còn có “tỷ lệ hoàn vốn đầu tư” (ROI - return on investment) - một thuật ngữ tài chính thường được sử dụng nhiều và có phần bị lạm dụng hiện nay.
Tỷ lệ lợi nhuận trên tổng tài sản liên quan đến thu nhập ròng và tổng tài sản của công ty, được tính như sau:
ROA = Lợi nhuận ròng / Tổng tài sản
ROA liên quan đến lợi nhuận ròng và vốn đầu tư trong tất cả các nguồn tài chính nằm trong tay cấp quản lý. Công cụ này tỏ ra hữu ích nhất khi được sử dụng để đánh giá tính hiệu quả của việc sử dụng nguồn tài chính này - không quan tâm đến xuất xứ nguồn tài chính. Các nhà phân tích và đầu tư thường so sánh tỷ lệ lợi nhuận trên tổng tài sản của một công ty với tỷ lệ lợi nhuận trên tổng tài sản của những đối thủ cạnh tranh cùng ngành nhằm đánh giá tính hiệu quả của cấp lãnh đạo. Ví dụ, nếu ROA của công ty A là 12% còn công ty B là 8%, người ta sẽ có kết luận tích cực về cấp quản lý của công ty A.
Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn cổ phần liên quan đến lợi nhuận ròng và vốn đầu tư bởi các cổ đông. Tỷ lệ này đo tính hiệu quả của quá trình sử dụng vốn góp của các cổ đông. Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn cổ phần được tính như sau:
ROE = Lợi nhuận ròng/ Vốn góp của các cổ đông
“Tỷ lệ hoàn vốn đầu tư” thường được sử dụng trong các cuộc thương thảo kinh doanh liên quan đến khả năng sinh lợi. Chẳng hạn, những câu nói như “Mục tiêu của chúng tôi là đạt tỷ lệ hoàn vốn đầu tư 12%” khá phổ biến. Đáng tiếc là chưa có định nghĩa chuẩn về tỷ lệ hoàn vốn đầu tư, vì “vốn đầu tư” có thể được phân tích từ nhiều quan điểm. Nó có thể là tài sản được sử dụng trong một hoạt động đặc biệt, có liên quan đến vốn góp của các cổ đông, hoặc tài sản đầu tư trừ đi bất kỳ khoản nợ nào phát sinh trong quá trình công ty đang thực hiện dự án. Tỷ lệ hoàn vốn đầu tư cũng có thể được hiểu là tỷ suất thu nhập nội bộ - một phép tính tỷ lệ thu hồi rất cụ thể được mô tả trong chương 6. Vì vậy, khi ai đó nói đến thuật ngữ “tỷ lệ hoàn vốn đầu tư”, hãy luôn tìm hiểu rõ ràng.
Tỷ lệ lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT margin), thường được biết đến nhiều hơn với cái tên lợi nhuận hoạt động trên doanh thu, được nhiều chuyên viên phân tích dùng để đánh giá khả năng sinh lợi từ các hoạt động kinh doanh của một công ty. Lợi nhuận hoạt động trên doanh thu lấy từ phương trình chi phí lãi suất và thuế mà cấp quản lý hiện tại có thể không kiểm soát, do vậy biểu thị những dấu hiệu rõ ràng về hoạt động của cấp quản lý. Để tính toán lợi nhuận hoạt động trên doanh thu, hãy sử dụng công thức sau:
Lợi nhuận hoạt động trên doanh thu = EBIT / Doanh thu thuần
Các công ty cổ phần thường có nhiều chủ sở hữu, và không phải ai cũng nắm giữ số lượng cổ phần bằng nhau. Vì lý do này, người ta thường diễn đạt lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu. Cách tính thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) có thể phức tạp nếu có trên một cấp chủ sở hữu, mỗi cấp có yêu cầu khác nhau dựa trên mức thu nhập và tài sản đầu tư vào công ty. Tỷ lệ thu nhập trên mỗi cổ phiếu phải được thể hiện trong các bảng báo cáo được công bố, thường có nhiều biến thể khác nhau, như thu nhập trên mỗi cổ phiếu “nguyên thủy” hoặc “loãng giá hoàn toàn”. Một công thức đã được đơn giản hóa có chứa toàn bộ các yếu tố quyết định lợi tức trên mỗi cổ phiếu là:
Thu nhập trên mỗi cổ phiếu loãng giá hoàn toàn = (Thu nhập ròng - Lãi cổ phiếu ưu đãi) / (Số lượng cổ phiếu thường + Những khoản tương đương)
Tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu (ROS - return on sales) thể hiện tỷ lệ thu hồi lợi nhuận trên doanh số bán được. Qua đó cho chúng ta biết tỷ lệ phần trăm của mỗi đô la doanh số sẽ đóng góp vào lợi nhuận. Tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu được tính như sau:
Tỷ lệ sinh lời trên doanh thu = Lợi nhuận ròng / Doanh thu thuần
Cả nhà quản lý và nhà đầu tư đều nghiên cứu kỹ về xu hướng tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu. Nếu tỷ lệ này tăng, chứng tỏ khách hàng chấp nhận mua giá cao, hoặc cấp quản lý kiểm soát chi phí tốt, hoặc cả hai. Trái lại, tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu giảm có thể báo hiệu chi phí đang vượt tầm kiểm soát của cấp quản lý, hoặc công ty đó đang phải chiết khấu để bán sản phẩm hay dịch vụ của mình.
Trong ví dụ về Công ty Amalgamated, xu hướng tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu cho thấy sự tụt giảm đáng kể trong năm 2002:
2002 2001 2000 1999
10,9% 20,1% 17,4% 17,3%
Tại sao tỷ lệ lợi nhuận của công ty này lại giảm gần một nửa vào giữa năm 2001 và 2002? Một cách để thu hẹp câu trả lời là xác định loại chi phí - hoặc các khoản thuế - đã tăng tương ứng với doanh thu. Khi kiểm tra các báo cáo thu nhập của công ty, bạn sẽ thấy rằng công ty đã nộp thêm các khoản thuế tương ứng với doanh thu năm 2002 nhiều hơn năm trước (9,4% so với 6,5%). Chúng ta cũng có thể nhìn vào giá vốn hàng bán ra hoặc chi phí hoạt động với cùng cách thức như khi tìm kiếm câu trả lời trên. Không giống thuế, những khoản này thể hiện những lĩnh vực quan trọng mà cấp quản lý công ty đang kiểm soát.
Các nhà đầu tư sử dụng phân tích tỷ suất sinh lợi để đánh giá khả năng thu nhập trong tương lai của một công ty. Như đã nêu trong ví dụ, các nhà quản lý có thể sử dụng nó để xác định những lĩnh vực mà hiệu suất hoạt động bị hạn chế để tiến hành điều chỉnh.


Nguồn: Tài chính dành cho người quản lý - First News và NXB Tổng hợp TPHCM
TÌM BÀI VIẾT KHÁC SEARCH TRÊN THANH TIM KIẾM PHÍA TRÊN WEB
ĐÃ CẬP NHẬT HẾT SÁCH GIẢI CÁC MÔN CÁC LỚP VUI LÒNG ĐÁNH TÊN BÀI KÈM LỚP PHÍA TRÊN TÌM KIẾM

Trả Lời Với Trích Dẫn