๑๑۩۞۩๑๑...TuThienBao.Com...๑๑۩۞۩๑๑

๑๑۩۞۩๑๑...TuThienBao.Com...๑๑۩۞۩๑๑ (http://tuthienbao.com/forum/index.php)
-   Kế toán - Tài Chính (http://tuthienbao.com/forum/forumdisplay.php?f=52)
-   -   Chỉ số tài chính & báo cáo tài chính (http://tuthienbao.com/forum/showthread.php?t=114117)

sweet_love 23-10-2012 12:11 AM

Các báo cáo tài chính
 
Công ty của bạn đang sở hữu và mắc nợ những gì? Nguồn thu nhập của công ty từ đâu mà có, và công ty đã sử dụng tiền như thế nào? Thu được bao nhiêu lợi nhuận? Tình hình tài chính của công ty ra sao? Chương này sẽ giúp bạn trả lời những câu hỏi vừa nêu bằng cách giải thích ba loại báo cáo tài chính quan trọng: bảng cân đối kế toán, báo cáo thu nhập và báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Ngoài ra chương này còn giúp bạn hiểu thêm về một số vấn đề quản lý ẩn sau những loại báo cáo này, đồng thời giúp bạn mở rộng kiến thức tài chính thông qua việc thảo luận hai khái niệm quan trọng: đòn bẩy tài chính và cơ cấu tài chính của một công ty.

Tầm quan trọng của báo cáo tài chính
Báo cáo tài chính là các chứng từ cần thiết trong kinh doanh. Các nhà quản lý sử dụng chúng để đánh giá năng lực thực hiện và xác định các lĩnh vực cần thiết phải được can thiệp. Các cổ đông sử dụng chúng để theo dõi tình hình vốn đầu tư của mình đang được quản lý như thế nào. Các nhà đầu tư bên ngoài dùng chúng để xác định cơ hội đầu tư. Còn người cho vay và nhà cung ứng lại thường xuyên kiểm tra báo cáo tài chính để xác định khả năng thanh toán của những công ty mà họ đang giao dịch.

Báo cáo tài chính - gồm bảng cân đối kế toán, báo cáo thu nhập và báo cáo lưu chuyển tiền tệ - của các công ty đều theo mẫu chung thống nhất. Mặc dù một số hạng mục có thể khác nhau tùy theo đặc điểm kinh doanh của mỗi công ty, nhưng các báo cáo tài chính luôn giống nhau về cơ bản, cho phép bạn so sánh việc kinh doanh của công ty này với các công ty khác.

Bảng cân đối kế toán
Hầu hết mọi người mỗi năm đều đến bác sĩ để kiểm tra sức khỏe tổng quát - một cuộc kiểm tra tình trạng thể chất tại một thời điểm nhất định. Tương tự như vậy, bảng cân đối kế toán là một cách tổng hợp tình hình tài chính của các công ty tại một thời điểm nhất định nào đó, thường là cuối tháng, cuối quý hoặc cuối năm tài chính.

Trên thực tế, bảng cân đối kế toán thể hiện những tài sản do công ty quản lý và việc cấp vốn cho những tài sản này - bằng vốn của những người cho vay (nợ phải trả), vốn góp từ các chủ sở hữu, hoặc từ cả hai nguồn. Bảng cân đối kế toán được phản ánh theo phương trình kế toán sau:
Tài sản = Nợ phải trả + Vốn chủ sở hữu

Tài sản trong phương trình kế toán này là những thứ mà công ty đầu tư vào để thực hiện việc kinh doanh, chẳng hạn như tiền mặt, nguyên vật liệu tồn kho, đất đai, nhà xưởng và trang thiết bị. Ngoài ra, tài sản còn bao gồm tiền nợ từ các khách hàng và công ty khác, đây là loại tài sản được gọi là khoản phải thu.

Vế còn lại của phương trình này bắt đầu bằng nợ phải trả. Để có được những tài sản cần thiết, một công ty thường phải vay tiền hoặc hứa thanh toán cho các nhà cung ứng nhiều mặt hàng và dịch vụ khác nhau. Nợ phát sinh do công ty vay hoặc mua chịu tài sản được gọi chung là nợ phải trả.

Ví dụ, một công ty kinh doanh máy tính có thể đặt mua bo mạch chủ với trị giá đơn hàng là 1 triệu USD từ một công ty cung ứng linh kiện điện tử với thời hạn thanh toán trong 30 ngày. Làm như vậy, công ty máy tính sẽ tăng tài sản hàng tồn kho lên 1 triệu USD và nợ dưới hình thức khoản phải trả với con số tương đương. Lúc này hai vế phương trình cân bằng nhau. Tương tự, nếu công ty này buộc phải vay ngân hàng 100.000 USD, thì tài sản có và nợ phải trả sẽ tăng lên với con số tương đương 100.000 USD.
Vốn chủ sở hữu là vốn đầu tư của chủ sở hữu, là phần tài sản còn lại sau khi lấy tổng tài sản trừ đi các khoản nợ phải trả. Như vậy, một công ty có tổng giá trị tài sản là 3 triệu USD và tổng nợ phải trả là 2 triệu USD, thì vốn của chủ sở hữu sẽ là 1 triệu USD.
Tài sản - Nợ phải trả = Vốn chủ sở hữu
3.000.000 USD - 2.000.000 USD = 1.000.000 USD
Nếu số tài sản không được bảo hiểm trị giá 500.000 USD của công ty này bị cháy rụi trong một cuộc hỏa hoạn, nợ phải trả vẫn giữ nguyên, nhưng vốn chủ sở hữu sẽ bị giảm đi 500.000 USD:
Tài sản có - Nợ phải trả = Vốn chủ sở hữu
2.500.000 USD - 2.000.000 USD = 500.000 USD

Như vậy, bảng cân đối kế toán “cân bằng” tài sản và nợ phải trả của một công ty. Ví dụ, hãy xem tổng tài sản bằng tổng nợ phải trả cộng vốn chủ sở hữu trong bảng cân đối kế toán của công ty sản xuất móc treo áo Amalgamated (bảng 1-1). Bảng cân đối kế toán cũng nêu số vốn công ty đầu tư vào tài sản, cũng như các khoản tiền được đầu tư vào đâu. Ngoài ra, bảng cân đối kế toán còn cho biết số tiền đầu tư vào tài sản từ chủ nợ (nợ phải trả), và số tiền từ các chủ sở hữu (vốn chủ sở hữu). Phân tích bảng cân đối kế toán giúp bạn có khái niệm về tính hiệu quả của một công ty trong quá trình sử dụng tài sản và khả năng quản lý nợ phải trả của họ.
Dữ liệu trong bảng cân đối kế toán rất hữu ích khi công ty bạn muốn so sánh với thông tin của các năm trước. Hãy xem bảng cân đối kế toán của Công ty Amalgamated. Đầu tiên, bảng cân đối này trình bày tình hình tài chính của công ty trong khoảng thời gian xác định: 31-12-2002. So sánh với số liệu của năm 2001 cho thấy Amalgamated đang phát triển theo hướng tích cực: tăng vốn chủ sở hữu lên gần 100.000 USD.

Tài sản
Bạn nên hiểu một số chi tiết về loại báo cáo tài chính đặc biệt này. Bảng cân đối kế toán bắt đầu bằng cách liệt kê toàn bộ tài sản dễ chuyển thành tiền nhất: tiền mặt và trái khoán bán được, các khoản phải thu và hàng tồn kho. Tất cả những khoản này được gọi là tài sản lưu động. Thông thường, tài sản lưu động là những tài sản có thể chuyển thành tiền trong vòng một năm.

Kế đến, bảng cân đối kế toán kiểm kê các tài sản khác khó chuyển thành tiền hơn - ví dụ như cơ sở hạ tầng và trang thiết bị. Những tài sản này được gọi là tài sản cố định.

Vì hầu hết tài sản cố định, ngoại trừ đất đai, đều khấu hao (tức là bị sụt giảm giá trị) theo thời gian, nên công ty phải giảm giá trị đã định của những tài sản cố định này bằng khấu hao lũy kế. Tổng giá trị bất động sản, nhà máy và trang thiết bị trừ đi giá trị khấu hao lũy kế bằng giá trị hiện tại về bất động sản, nhà máy và trang thiết bị.
Một số công ty đưa lợi thế kinh doanh vào bảng cân đối kế toán như một phần tài sản của công ty. Lợi thế kinh doanh là giá trị của danh tiếng tốt, uy tín và lượng khách hàng có sẵn. Lợi thế kinh doanh được thể hiện là tài sản cố định khi một công ty mua lại một công ty khác với giá cao hơn giá trị tài sản của công ty được mua theo giá thị trường. Lợi thế kinh doanh cũng như bằng sáng chế, thương hiệu công ty... là những tài sản vô hình. Cũng giống như tài sản cố định, khi được định giá, chúng phải được tính khấu hao theo vòng đời kinh tế hữu dụng của chúng.
Cuối cùng, chúng ta hãy xem dòng cuối của bảng cân đối kế toán. Đó chính là tổng tài sản. Tổng tài sản là toàn bộ tài sản lưu động và tài sản cố định của một công ty.

Nợ phải trả và vốn chủ sở hữu
Bây giờ, chúng ta hãy xem xét một loại tài sản được gọi là nợ ngắn hạn. Nợ ngắn hạn là khoản tiền phải thanh toán trong thời hạn một năm, gồm có giấy nợ ngắn hạn, tiền lương tích lũy, thuế thu nhập tích lũy, và các khoản phải trả. Nghĩa vụ hoàn trả nợ trên cơ sở vốn vay dài hạn của năm nay cũng được liệt kê trong mục nợ ngắn hạn.

Lấy tài sản lưu động trừ đi nợ ngắn hạn ta được vốn lưu động ròng của công ty. Vốn lưu động ròng là khoản tiền công ty giữ lại cho các hoạt động ngắn hạn. Khoản tiền giữ lại phụ thuộc vào từng lĩnh vực kinh doanh và kế hoạch hoạt động của mỗi công ty.

Tiêu biểu cho nợ dài hạn là trái phiếu và tài sản thế chấp - các khoản nợ mà công ty có nghĩa vụ phải hoàn trả theo hợp đồng cả vốn lẫn lãi.
Theo phương trình kế toán nêu trên, tổng tài sản bằng tổng nợ phải trả cộng với vốn chủ sở hữu. Như vậy, lấy tổng tài sản trừ đi tổng nợ phải trả, bảng cân đối kế toán sẽ có được con số thể hiện vốn chủ sở hữu. Vốn chủ sở hữu gồm lợi nhuận giữ lại (lợi nhuận ròng tích lũy trong bảng cân đối kế toán của công ty sau khi đã chia cổ tức) và vốn góp (vốn nhận được bằng cách trao đổi cổ phiếu).

Giá trị gốc
Các giá trị nêu trong nhiều mục của bảng cân đối kế toán có thể không tương ứng với các giá trị của chúng trên thị trường thực tế. Ngoại trừ các mục như tiền, khoản phải thu, và khoản phải trả, cách tính mỗi hạng mục hiếm khi bằng giá trị hiện tại thực tế được nêu. Đó là vì các kế toán viên phải ghi nhận hầu hết các mục với chi phí gốc. Ví dụ, nếu bảng cân đối kế toán của công ty XYZ ghi giá trị mảnh đất là 700.000 USD, con số này thể hiện số tiền mà công ty XYZ đã trả để mua mảnh đất này trước kia. Nếu mảnh đất này đã được mua ở khu vực trung tâm San Francisco năm 1960, bạn có thể đặt cược rằng giá trị hiện nay của nó sẽ vượt xa giá trị nêu trong bảng cân đối kế toán. Vậy tại sao bảng cân đối lại thể hiện giá trị gốc thay vì giá thị trường? Vì giá trị gốc tượng trưng cho điều ít tệ hại hơn. Nếu ghi giá thị trường, thì mỗi công ty tham gia sàn giao dịch sẽ được yêu cầu thực hiện thẩm định chuyên nghiệp giá mỗi tài sản, tồn kho… và hàng năm đều phải làm như vậy. Và có bao nhiêu người sẽ tin tưởng vào những kết quả thẩm định này? Do vậy, buộc phải nêu các giá trị gốc trong bảng cân đối kế toán.


Nguồn: Tài chính dành cho người quản lý - First News và NXB Tổng hợp TPHCM

sweet_love 23-10-2012 12:14 AM

Tài chính dành cho người quản lý
 
Dù bạn hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, tiếp thị, sản xuất, phát triển sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực hay bất kỳ lĩnh vực nào khác, thì kiến thức về tài chính sẽ giúp bạn thực hiện nhiệm vụ của mình tốt hơn.

Điều đó không những đúng với các nhà quản lý công ty lớn mà còn đúng với các chủ doanh nghiệp nhỏ. Biết cách cấp vốn cho tài sản, dự báo dòng tiền tương lai, duy trì ngân sách, xác định hoạt động sinh lợi, và đánh giá các lợi ích kinh tế thực sự của những cơ hội đầu tư khác nhau sẽ giúp bạn đi lên cùng với doanh nghiệp và ngày càng tạo ra nhiều lợi nhuận.

Cuốn sách này có thể không giúp bạn trở thành một chuyên gia tài chính, song sẽ đem lại cho bạn những gì cần biết để vận dụng thông tin và khái niệm tài chính một cách thông minh, chính xác để hoạch định và đưa ra những quyết định kinh doanh hiệu quả hơn.

Bức tranh tài chính doanh nghiệp
Tài chính doanh nghiệp đề cập đến vấn đề tiếp nhận và phân bổ nguồn tài chính - cách thức một công ty cấp vốn cho tài sản cần để hoạt động kinh doanh và cách vận dụng các tài sản này với lợi ích cao nhất.

Về việc tiếp nhận nguồn vốn, tài chính liên quan đến những câu hỏi sau:
+ Làm thế nào công ty có được nguồn vốn và cấp vốn cho tài sản tồn kho, thiết bị cũng như các tài sản vật chất khác?
+ Công ty nên dùng tiền của chủ sở hữu, vốn vay hay tiền mặt phát sinh từ bên trong?
+ Nếu vay thì nguồn vốn dưới hình thức nợ nào là phù hợp nhất?
+ Cho thuê có phải là giải pháp tối ưu để sở hữu không?
+ Công ty mất bao nhiêu thời gian để thu tiền khách hàng nợ (khoản phải thu)?
+ Khả năng sinh lợi sẽ bị ảnh hưởng như thế nào nếu công ty hoạt động với tỷ lệ vốn vay lớn hơn?

Bây giờ chúng ta hãy xem việc phân bổ nguồn vốn liên quan đến một số vấn đề sau đây:
+ Nếu doanh nghiệp có cơ hội đầu tư vào hai trường hợp kinh doanh khác nhau, làm cách nào để xác định trường hợp kinh doanh nào sẽ đem lại giá trị kinh tế lớn hơn?
+ Khoản lợi nhuận nào mà một hoạt động mới cần phải tạo ra để xứng đáng với việc thực hiện? Và làm thế nào để đo được lợi nhuận đó?
+ Công ty cần bán bao nhiêu đơn vị sản phẩm hay dịch vụ mới để hòa vốn đầu tư?
+ Làm thế nào các nhà quản lý có thể xác định khả năng sinh lợi của nhiều hàng hóa và dịch vụ khác nhau mà họ cung cấp?

Tài chính cũng là một hệ thống thông tin. Bên cạnh chức năng kế toán và lưu trữ chi tiết hoạt động kinh doanh, tài chính còn tạo ra những con số mà các nhà quản lý có thể sử dụng để lập kế hoạch và kiểm soát hoạt động. Những thông tin này nằm dưới dạng các báo cáo tài chính, bản dự thảo ngân sách và các dự báo. Thông tin tài chính đem lại cho các nhà quản lý số liệu cần thiết để ra quyết định tốt hơn nếu những thông tin này được diễn giải và sử dụng đúng cách. Thêm vào đó, thông tin tài chính có thể giúp bạn xác định sản phẩm hay dịch vụ nào có khả năng đem lại lợi nhuận cao nhất - điều không phải lúc nào cũng rõ ràng.


Nguồn: Tài chính dành cho người quản lý - First News và NXB Tổng hợp TPHCM


Múi giờ GMT. Hiện tại là 10:30 PM.

Powered by: vBulletin v3.8.2 Copyright ©2000-2025, Jelsoft Enterprises Ltd.